Giao tranh ở Cẩm Châu Chiến_tranh_Minh-Thanh

Kể từ ngày Hoàng Thái Cực lên nối ngôi đến năm Sùng Đức thứ sáu (1641), trải qua hơn 15 - 16 năm, ông đã 3 lần xua quân đột nhập vùng quan nội nhưng vì không chiếm được Sơn Hải Quan và Cẩm Châu, nên luôn gặp trở lực trong hành động, khó thực hiện được ý định. Do vậy, Hoàng Thái Cực đã tập trung chĩa mũi giáo tiến công về phía Sơn Hải quan và Cẩm Châu, là nơi gây trở lực không cho ông tiến vào quan ải. Trong khi đó, triều nhà Minh cũng lên nhiều phương án để tăng cường tuyến phòng thủ then chốt này[cần dẫn nguồn]. Năm 1641 (năm Sùng Đức thứ sáu), quân Thanh bắt đầu hành động, phái quân bao vây Cẩm Châu. Tháng 07.1641, chỉ huy nhà Minh là Hồng Thừa Trù dẫn Ngô Tam Quế và một số tướng lãnh khác gồm 8 tổng binh và 13 vạn nhân mã kéo đến để chi viện cho Cẩm Châu. Đại quân tập hợp tại Ninh Viễn, rồi mới chia thành mấy cánh tiến chậm chạp về phía Hạnh Sơn và Tùng Sơn, với chiến pháp tiến chậm nhưng chắc để giành tháng lợi.

Tin thất thủ liên tiếp báo về Minh triều, Tư Tông hoàng đế bèn phong Hồng Thừa Trù làm kinh lược sứ, đem bọn Vương Phác, Tào Loan Giao, Mã Khoa, Ngô Tam Quế, Lý Phụ Minh, Đường Thông, Bạch Quảng Án, Vương Đình Thân, tổng cộng 8 viên quan tổng binh cùng với hơn 200 viên tham tướng thu bị và 13 vạn người ngựa tới Cẩm Châu. Minh quân đóng doanh tại phía bắc thành Tùng Sơn trên ngọn núi Nhú Phong. Đa Nhĩ Cổn được tin quân Minh binh thế lớn mạnh, sợ một mình địch không nổi bèn cho kỳ bài quan về Hưng Kinh cầu viện. Tuy vậy, vị Binh bộ Thượng thư mới được đưa lên giữ chức này là Trần Tân Giáp, lại cho rằng tiến quân chậm chạp như thế chỉ làm hao thêm lương thực, nên phái người tới giám trận, giám quân và đốc chiến cho Hồng Thừa Trù. Do chịu không nổi sự thôi thúc của số người này, nên Hồng Thừa Trù đã liều lĩnh bỏ lương thảo lại Bút Giá Cương bên ngoài Hạnh Sơn và Tháp Sơn thuộc vùng Ninh Viễn, chỉ dẫn 6 vạn binh mã tiến lên. Ông ra lệnh cho số binh mã còn lại, cấp tốc bám theo mình. Khi Hồng Thừa Trù đến vùng Tùng Sơn và Hạnh Sơn, thì cho kỵ binh đóng ở 3 mặt đông, nam và tây của núi Tùng Sơn, còn bộ binh thì bố phòng tại Khổng Phong Cương, nằm cách Cẩm Châu 6 - 7 dặm đường, xây hào lũy đối diện với quân Thanh.

Hoàng Thái Cực được tin triều nhà Minh phái viện binh đến, thì vào tháng 08.1641, ông dẫn đại quân từ Thẩm Dương đến hạ trại đóng tại vùng đất giữa Tùng Sơn và Hạnh Sơn, cắt đứt sự liên hệ của quân Minh giữa 2 khu vực này, đồng thời cũng cắt đứt đường rút lui của Hồng Thừa Trù. Tiếp đó, Hoàng Thái Cực lại cho quân đi đoạt hết lương thực tại núi Tháp Sơn. Hồng Thừa Trù hoàn toàn bị động, và bị vây khốn tại Tùng Sơn. Hơn nửa năm sau, do Hồng Thừa Trù bị bộ hạ bán đứng, mở cửa thành cho quân Thanh tiến vào, nên ông bị bắt sống. Năm 1641, Đa Đạc tham gia trận Tùng Cẩm (松錦之戰), và dẫn quân Thanh bao vây Cẩm Châu ở giai đoạn đầu của trận chiến. Sau cùng, ông dẫn một đội quân phục kích để quét sạch tàn quân Minh ở Tùng Sơn, tiếp theo cùng Túc thân vương Hào Cách (豪格) vây khốn Tùng Sơn, bắt giữ Kế Liêu tổng đốc Hồng Thừa Trù (洪承疇) của triều Minh. Do có công lao nên Đa Đạc được thăng làm "Đa La Dự Quận vương".

Hồng Thừa Trù

Hoàng Thái Cực biết Hồng Thừa Trù sẽ là người có tác dụng hết sức to lớn đối với việc mình tiến vào làm chủ Trung Nguyên, nên đã cho người tiếp đãi ông ta thực tốt. Mặt khác, ông lại cho người tới để dụ hàng Hồng Thừa Trù. Có nhiều giả thiết về cuộc chiêu dụ này. Một giả thuyết cho rằng, Phạm Văn Trình đến chỗ giam giữ Hồng Thừa Trù, ông này biết đối phương đến để làm gì, nên to tiếng mắng Phạm Văn Trình là người không có xương sống, cúi đầu để phụng sự cho nhà Thanh, cam tâm làm chó săn cho người. Ông còn tỏ ra quyết liệt chết để tận trung báo quốc, chứ không chịu quỳ gối đầu hàng. Phạm Văn Trình không đi tranh biện với ông, chỉ nói qua với ông một số chuyện cổ kim cũng như chuyện sống chết, được mất. Trong khi đôi bên đang nói chuyện, thì từ trên nóc nhà bỗng có một cục bụi bẩn rơi xuống áo của Hồng Thưa Trù. Hồng Thừa Trù bèn lấy tay phủi bụi bẩn đó. Hành động này của ông được Phạm Văn Trình nhìn thấy, nên trong lòng đã có sự tính toán riêng.

Phạm Văn Trình liền từ giã Hồng Thừa Trù, đến tâu với Hoàng Thái Cực rằng Hồng Thừa Trù chắc chắn sẽ không liều chết vì sống trong cảnh ngộ như thế này, mà ông ta còn tỏ ra thương tiếc chiếc áo của mình đến như vậy, thì huống hồ chi là tính mạng của bản thân. Hoàng Thái Cực nghe qua lấy làm vui mừng, đích thân đến ngục thất để thăm Hồng Thừa Trù. Nhà vua thấy Hồng Thừa Trù chỉ mặc một chiếc áo đơn phong phanh, liền cởi chiếc áo da lông chồn của mình ra, đích thân khoác vào người cho Hồng Thừa Trù, rồi quan tâm hỏi han làm cho Hồng Thừa Trù hết sức xúc động và ngạc nhiên nhận thấy Hoàng Thái Cực là một vị chúa độ lượng, phi phàm sau đó dập đầu xin hàng.

Một giả thuyết khác cho rằng đích thân Hoàng hậu đã xuống nhà lao để khuyên lơn an ủi. Theo giải thuyết này thì khi Hồng Thừa Trù bị bắt đưa đến Thịnh Kinh, đã tuyệt thực liên tiếp mấy hôm, thề sẽ chết để tỏ lòng trung thành. Nhưng sau khi Phạm Văn Trình biết được ông không quyết tâm chết, thì Hoàng Thái Cực bèn sai người tiếp xúc tìm đủ cách khuyên ông đầu hàng, nhưng ông vẫn cự tuyệt không nghe. Về sau, Hoàng Thái Cực qua sự tiết lộ của một số người đầu hàng, biết Hồng Thừa Trù là người háo sắc, nên đã phái từng nhóm mỹ nữ đến để quyến rũ nhưng cũng không có hiệu quả. Cuối cùng, Hoàng Thái Cực phái người ái thiếp xinh đẹp nổi tiếng một thời của mình là Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị (Bác Nhĩ Tế Cẩm thị) mang theo một bình nước nhân sâm nhỏ tới gặp Hồng Thừa Trù. Bát thị nhìn thấy ông này đang ngồi quay mặt vào vách, không ngớt khóc lóc, cố khuyên lơn thế nào cũng không nghe. Bát thị không khỏi động lòng trắc ẩn, nói với một thái độ đầy chân tình. Với những lời nói của Bát thị nghe thật ngọt ngào, tình cảm rất chân thật, lại đưa bình nước sâm lên tận môi, Hồng Thừa Trù rốt cục không cưỡng lại được mùi thơm ngon của nước sâm, nên đã uống liên tiếp. Mấy ngày sau, Bát thị cũng đến khuyên lơn và mang cả thức ăn ngon dâng cho Hồng Thừa Trù. Dần dần, Hồng Thừa Trù thay đổi ý định, bắt đầu chịu ăn cơm và đã đầu hàng.[cần dẫn nguồn]